Vị thành niên là giai đoạn có nhiều thay đổi lớn và để lại nhiều ký ức sâu đậm trong cuộc đời của mỗi con người. Tuy nhiên, lứa tuổi này thường bị gán nhãn là nổi loạn, bốc đồng và không biết cách điều chỉnh cảm xúc của bản thân. Đây có phải là đặc điểm nhận diện của những ai đang ở giai đoạn tuổi dậy thì hay là một nỗi oan chưa được giải bày? Các nhà nghiên cứu tâm lý học và nhà giáo dục luôn cố gắng tìm ra đáp án cho câu hỏi vì sao chúng ta khó quản lý cảm xúc của bản thân khi ở giai đoạn vị thành niên. Có vẻ như có lý do cho những hành động bốc đồng ở lứa tuổi này. Dưới góc độ tâm lý học, những cảm xúc quá mức được hiểu theo các hướng dưới đây.
Sự thay đổi và tăng cao đột ngột của hormone khiến vị thành niên lạ lẫm với cả cơ thể và cảm xúc của mình. Ở giai đoạn này, cơ thể có nhiều thay đổi, phát triển nhanh chóng, hệ tuần hoàn, nhịp tim cũng nhanh hơn. Chúng ta gặp khó khăn trong việc điều chỉnh những biến đổi sinh lý, luống cuống với cơ thể đang lớn nhanh của mình. Từ đó dẫn đến việc những cư xử hằng ngày cũng trở nên bối rối và bốc đồng. Chúng ta thường xử lý vấn đề bằng những cuộc cãi vã, đôi khi là đánh nhau, làm đau chính mình và người khác. Những quyết định cũng được đưa ra một cách vội vã và thiếu suy nghĩ. Tâm trạng có thể vừa vui đó lại nhanh chóng rơi vào buồn bã. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc vị thành niên gặp khó khăn trong việc quản lý cảm xúc.
Ở giai đoạn vị thành niên, chúng ta không chỉ gặp khó khăn trong việc điều chỉnh những cảm xúc âm tính mà còn điều chỉnh cả cảm xúc dương tính. Những cảm xúc thường xuất hiện với cường độ mạnh, thúc đẩy hành động mạnh mẽ và kích thích suy nghĩ quá mức. Ví dụ như một lời khen của thầy cô cũng khiến chúng ta cảm thấy bản thân thật tài giỏi và biết hết tất cả mọi thứ trên đời. Hay chỉ vì một nốt mụn nhỏ trên má mà ta cảm thấy bản thân rất xấu xí đến nỗi không dám đến các buổi họp mặt bạn bè. Sự nhạy cảm trong cảm xúc và suy nghĩ khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc quản lý cảm xúc của bản thân, nhìn nhận vấn đề bị lệch hướng.
Giai đoạn vị thành niên là khoảng thời gian chúng ta chuyển từ lứa tuổi thiếu nhi sang học làm người lớn. Ta cảm thấy bản thân nay đã trưởng thành, đủ khả năng để làm những việc vốn chỉ dành cho người lớn. Thời điểm này mở ra nhiều cơ hội để bản thân phát triển và làm được nhiều việc hơn, tuy nhiên vì quá hào hứng, vội vã muốn chứng tỏ bản thân nên đôi khi dẫn đến việc đưa ra những quyết định thiếu chín chắn. Cũng vì hấp tấp trong hành động mà kết quả thường không được như mong đợi, những thất bại khiến chúng ta nhanh chóng bỏ cuộc. Cảm xúc cũng theo đó mà dao động mạnh mẽ, phấn khởi khi bắt đầu và chán nản khi thất bại.
Vị thành niên luôn là giai đoạn có nhiều mâu thuẫn nội tâm, một mặt chúng ta muốn chứng tỏ bản thân nhưng mặt khác cũng chưa hiểu rõ những mong muốn của chính mình. Những khoảnh khắc hoang mang, loay hoay với những suy nghĩ, băn khoăn về bản thân luôn khiến cảm xúc dao động mạnh. Đôi khi chúng ta còn bối rối và băn khoăn “Mình có kì lạ quá không? Có ai giống mình không?”. Bởi lẽ giai đoạn dậy thì không chỉ mang lại sự phát triển về thể xác mà còn đòi hỏi sự lớn lên trong suy nghĩ và hành động, chúng ta vốn đã quen với việc nghe theo sự sắp xếp của ba mẹ khi còn học tiểu học, nay đã phải tự đưa ra quyết định cho một số vấn đề của bản thân như chọn lựa quần áo, chọn bạn chơi, chọn môn học yêu thích,…Những lần đầu tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm cho hành động của chính mình luôn khiến chúng ta có nhiều lo lắng.
Cũng bởi vì chưa hiểu rõ những nhu cầu và mong muốn của bản thân nên ở giai đoạn vị thành niên chúng ta dễ bị tác động bởi người khác. Tác động của những người xung quanh đôi khi cho chúng ta thêm thông tin để đưa ra những quyết định chính xác, đôi khi biến thành sự lôi kéo khiến ta sa ngã. Ở giai đoạn này, chúng ta cũng rất quan tâm đến cách người khác nhìn nhận về bản thân mình, đặc biệt là bạn bè. Ta dựa vào lời nhận xét của đối phương để xem xét và đánh giá chính mình. Những lời nói ấy có lúc khiến ta thêm vững tin vào bản thân, có khi lại khiến ta buồn bã và hoài nghi chính mình. Sự băn khoăn về giá trị của bản thân và lời nhận xét của những người xung quanh cũng dễ khiến cảm xúc của chúng ta bị dao động.
Vị thành niên luôn là giai đoạn có nhiều biến động và thay đổi đôi khi nằm ngoài nằm tầm kiểm soát của chúng ta. Ta lớn nhanh như thổi, đầy nhạy cảm và dễ hoang mang với những lựa chọn của mình, nhưng cũng ra sức bảo vệ ý kiến của bản thân và học làm người lớn. Những điều được cho là bốc đồng hay nổi loạn nên được thấu hiểu, có lý do giải thích cho việc chúng ta cũng gặp nhiều khó khăn khi quản lý cảm xúc ở giai đoạn vị thành niên chứ không chỉ đơn thuần là cố tình chống đối người lớn. Khi được thấu hiểu và dẫn đường, chắc hẳn giai đoạn vị thành niên sẽ trôi qua suông sẻ và cảm xúc cũng trở nên ổn định hơn.
Tài liệu tham khảo:
https://exploringyourmind.com/why-do-teens-think-they-know-everything/
https://exploringyourmind.com/teenagers-and-risky-behavior-why-they-do-it/
ThS. Lý Minh Tiên - TS. Nguyễn Thị Tứ (Chủ biên), Giáo trình Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TPHCM.